70% Nhà Máy Thuỷ Sản Ngừng Sản Xuất Vì Dịch Covid-19, Xuất Khẩu Thuỷ Sản Gặp Khó Khăn
Để phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đồng thời để duy trì hoạt động sản xuất, các tỉnh thành phía nam đã từng bước áp dụng phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 địa điểm”. Tuy nhiên càng đi sâu vào thực hiện mới thấm thía các khó khăn vượt ngoài tầm kiểm soát. Do vậy, đã có hơn 70% doanh nghiệp không thể thực hiện phương án này buộc phải đóng cửa, dừng hẳn hoạt động sản xuất – theo công văn báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Với 30% doanh nghiệp còn lại có thể hoạt động cũng phải duy trì sản xuất trong tình trạng rất khó khăn. Việc bố trí sinh hoạt cho công nhân ở lại nhà máy khiến cho chi phí tăng vọt, cùng với áp lực về lương hỗ trợ công nhân và chi phí trả cho người lao động mất việc. Trong khi đó chi phí vận chuyển, chi phí vật tư sản xuất liên tục tăng thêm, nguyên liệu thì thiếu hụt khiến đơn hàng bị đình trệ. Lực lượng lao động sản xuất giảm từ 50 – 70% kéo theo công suất trung bình cũng giảm 50-60% so với mức bình thường, công suất sản xuất chung của cả vùng đến nay giảm chỉ còn 30-40%.
Doanh nghiệp thuỷ sản thực hiện giản cách trong sản xuất (Ảnh: Internet)
Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế lâm nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất đơn hàng, mất khách hàng và mất công nhân để hoạt động trở lại sau dịch.
Đồng thời, do thực hiện giản cách xã hội theo chỉ thị 16, sản xuất thủy sản đình trệ khiến tỷ trọng ngành xuất khẩu thủy sản giảm mạnh.
Cũng theo báo cáo từ VASEP, tổng xuất khẩu thủy sản tháng 7 đạt gần 763 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ đạt tương ứng 117 triệu USD và 60,5 triệu USD, giảm khoảng 5%; Mực và bạch tuộc cũng giảm 9%; Các loại thủy hải sản còn lại giảm 2 – 4%. Chỉ có riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 10,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp tổ chức 3 tại chỗ để duy trì sản xuất (ảnh: Internet)
Đánh giá theo tình hình hiện nay, “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, tối đa 4-5 tuần ở các doanh nghiệp lớn. Nếu tình hình đình trệ sản xuất kéo dài, thì xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng cuối năm sẽ khó lòng trụ vững, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản đang hiện lên rõ ràng, kéo theo hệ lụy cho toàn bộ nên kinh tế cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế của cả ngư dân, nông dân và công nhân trong ngành thủy sản.
Ngành thủy sản tha thiết mong chờ các biện pháp vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng phục vụ sản xuất. VASEP cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhân lực ngành thủy sản, đặc biệt là lao động trong nhà máy chế biến thủy sản, như vậy sẽ giải quyết được không chỉ riêng ngành chế biến thủy sản, mà còn góp phần giải quyết được cho cả toàn chuỗi thủy sản từ nuôi trồng đến xuất khẩu.
Theo: tepbac.com
Nội dung này có hữu ích với bạn? hãy để lại lượt Thích như bên dưới để chúng tôi phát triển hơn nữa chủ đề này; hoặc bạn có những ý kiến liên quan, hãy cùng trao đổi với chúng tôi ở phần bình luận bên dưới.